jeudi 19 janvier 2017

Cựu ngoại trưởng Đức : Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn với trật tự thế giới mới

Tập Cận Bình thăm bảo tàng Olympic tại Lausanne, Thụy Sĩ ngày 18/01/2017.

Cựu ngoại trưởng Đức trong Joschka Fischer từng lãnh đạo ngành ngoại giao bảy năm, phân tích trên tuần san Le Point về tương quan lực lượng mới trên toàn cầu. Theo ông, Trung Quốc sẽ thủ lợi lớn, và sẽ thế chỗ của Mỹ trong tự do thương mại thế giới và biến đổi khí hậu. 
Ai sẽ hưởng lợi trước thế trận mới trên thế giới : Nga hay Trung Quốc ?

Joschka Fisher : Chắc chắn là Trung Quốc. Nga dù là cường quốc nguyên tử, vẫn quá yếu. Trên lãnh vực kinh tế, tình hình của Nga giống như một quốc gia Tây Phi. Ngược lại, Trung Quốc đang cất cánh, đang hiện đại hóa về mọi mặt, khác hẳn với Nga. Vấn đề là sự tiến triển của Trung Quốc sẽ diễn ra qua việc hợp tác hay đối đầu. 


Trong một số chủ đề chính như hiện tượng biến đổi khí hậu và tự do thương mại thế giới, Trung Quốc sẽ nhận lấy vai trò của Hoa Kỳ. Về khí hậu, Bắc Kinh sẽ duy trì chủ trương được xác định qua Hiệp định Paris, không phải vì động cơ ý thức hệ hay đạo đức, mà rõ ràng vì lợi ích vật chất. Nạn ô nhiễm môi trường ở Bắc Kinh và miền bắc Trung Quốc đã lên đến cực điểm. Ban lãnh đạo Trung Quốc hiểu rằng phải thay đổi mô hình tăng trưởng, họ sẽ làm điều đó và Hiệp định Paris trao cho họ cơ hội. 

Về tự do thương mại, mà nước Mỹ của Donald Trump đang muốn rời xa, thì ngược lại Trung Quốc sẽ đẩy mạnh và đóng vai trò lãnh đạo, vì lợi ích và tầm vóc thị trường nước mình. Đối với châu Âu, thử thách này là thú vị.

Chính sách đối ngoại của ông Donald Trump với chủ trương cô lập và bảo hộ sẽ gây tác động gì lên trật tự thế giới ?

Tôi chưa bao giờ thấy có một tiền lệ nào trong lịch sử thế giới, khi một siêu cường như Hoa Kỳ, mà quyền năng vượt hẳn lên tất cả những nước khác hiện nay, lại tuyên bố thoái vị. Hậu quả đối với phương Tây và châu Âu sẽ rất nặng nề. Sự rút lui của Hoa Kỳ sẽ tạo ra một khoảng trống, khiến những kẻ khác tìm cách lấp đầy. Tại châu Âu, chủ yếu là trường hợp của Nga.

Với việc sử dụng mạng xã hội Twitter, Donald Trump đã sáng tạo ra một công cụ ngoại giao mới ?
Đó là một công cụ, vâng, nhưng chắc chắn không phải là ngoại giao. Công cụ dân túy thì đúng hơn.

Một chính sách ngoại giao dân túy là như thế nào ?

Chính sách đối ngoại mà tổng thống tân cử nêu ra, đi từ nguyên tắc là việc rút lui khỏi các vấn đề quốc tế sẽ tăng cường an ninh cho Hoa Kỳ, là sai lầm hàng đầu. Một đại cường không thể dễ dàng thu mình lại như thế. Việc này sẽ dẫn đến những xung đột, và đến lượt nước Mỹ sẽ bị tác động, thông qua các đồng minh cũng như trực tiếp.

Có nên lo ngại về một hiệp ước Yalta
(1)mới giữa Donald Trump và Vladimir Putin, gây thiệt hại cho châu Âu ?

Điều đó còn tùy thuộc vào phản ứng trong nội bộ nước Mỹ, tại Quốc hội, trong bộ máy an ninh và trong công luận. Nhưng một Yalta 2.0 thì hoàn toàn có thể nghĩ đến. Sẽ có những hậu quả hết sức tai hại cho châu Âu.

Liệu Nga sẽ can thiệp vào các chiến dịch tranh cử tại Pháp và Đức trong năm nay, như đã làm với Mỹ năm 2016 ?

Tôi không hề ngạc nhiên. Ở bên này và bên kia sông Rhin, những người có trách nhiệm sẽ khôn ngoan chuẩn bị, để nếu không ngăn cản được thì cũng dự kiến được những thiệt hại gây ra.

NATO sẽ là nạn nhân của tổng thống Trump ?

Hai cường quốc sáng lập NATO là Hoa Kỳ và Anh quốc đã quyết định rút lui – Anh với vụ Brexit, và Mỹ với việc Trump đắc cử. Tôi không chờ đợi điều gì tốt đẹp cho Liên minh Bắc Đại Tây Dương. NATO đã hẳn là một công cụ quân sự, nhưng trái tim của Liên minh, trước hết và trên hết là bảo đảm an ninh, mà chỉ có Hoa Kỳ là làm được vì là quốc gia duy nhất tạo được sự tin tưởng từ sức mạnh quân sự. Sự tin cậy vừa là vấn đề năng lực vừa là quyết tâm. Những tuyên bố của ứng viên Trump, khi gieo những mầm mống nghi ngờ, đã gây ảnh hưởng nặng nề cho NATO.

Liệu ông muốn nói Donald Trump là mối nguy cho an ninh châu Âu ?

Rốt cuộc, điều này tùy thuộc vào chính châu Âu. Đã đến lúc chúng ta phải đặt lá bài lên bàn. Khi tôi nói « chúng ta », trước hết là Pháp và Đức. Chúng ta phải bắt đầu làm người lớn. Thế giới đã thay đổi sâu sắc từ cuối thế kỷ 20, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ, các cường quốc khác, sự hỗn loạn cực độ ở Cận Đông, cuộc khủng hoảng di dân, sẽ tiếp tục gây áp lực lên châu Âu. Chúng ta cần thay đổi hẳn phản xạ chiến lược, Pháp cũng như Đức. Trong khi lệ thuộc lẫn nhau, chúng ta lại luôn xây dựng chiến lược an ninh trong khuôn khổ quốc gia. Thật là điên. An ninh của Ba Lan cũng là của Đức và Pháp. Chỉ cần liếc qua tấm bản đồ là đủ hiểu.

Lấy ví dụ vùng Cận Đông chẳng hạn, phản xạ chiến lược được thay đổi sâu sắc như ông mong muốn sẽ như thế nào ?

Ở Cận Đông, cần phải giải quyết qua việc tiến hành một trò chơi phòng vệ. Châu Âu hay một thế lực nào bên ngoài khu vực, kể cả Nga hay Hoa Kỳ, đều không có đủ ảnh hưởng để chống lại tình trạng hỗn loạn đang ngự trị. May thay, nguy cơ nguyên tử đã được ngăn chận – ngăn lại chứ không phải trừ khử - nhờ hiệp định với Iran. Hãy còn rất nhiều xung đột tín ngưỡng, xã hội, quốc gia giữa Iran theo hệ phái Shia và Ả Rập Xê Út theo Sunni…

Tôi cho rằng bản thân vùng Cận Đông phải tự giải quyết các vấn đề của mình, chứ bên ngoài không còn có thể. Sau một thế kỷ hiện diện, hiệp định Sykes-Picot (2) đã hoàn toàn bị chôn vùi. Tuy chưa bao giờ được áp dụng, nhưng hiệp định này cũng đã mang lại một sự ổn định nào đó, mà cuộc chiến của ông George W.Bush ở Irak đã phá hẳn. Như vậy chúng ta phải tự bảo vệ mình – bảo vệ tại Đại Tây Dương, ở các biên giới, tự vệ trước khủng bố. Muốn vậy cần phải tổ chức một cách năng nổ.

Các ưu tiên sẽ là gì ?

Có hai chủ đề chính yếu : khu vực đồng euro và vấn đề an ninh. Trong khu vực đồng euro, không có cách nào khác ngoài việc hội nhập nhiều hơn nếu muốn duy trì đồng tiền chung châu Âu – nếu chối bỏ có thể trở thành thảm họa. Có thể hình dung một thỏa hiệp chiến lược : về vấn đề an ninh, Pháp vốn có nhiều kinh nghiệm và nhạy bén hơn Đức, thì Đức nên nhường cho Pháp. Ngược lại trong lãnh vực kinh tế, Pháp phải công nhận Đức là ưu việt. 

Nhiều người cho là trong hai lãnh vực cụ thể trên, khác biệt văn hóa quá lớn để người Pháp và người Đức có thể bắt tay với nhau. Tôi không tin như vậy. Dưới áp lực của thực tế, của Trump, của Brexit, của Putin, của mọi sự đảo lộn đầy bi kịch mà chúng ta chứng kiến, giả thiết này không đứng vững.

Một số người cho rằng sau khi ông Trump đắc cử, Đức sẽ phải trở thành thủ lãnh của phe dân chủ tự do…

Một giả thiết như thế chứng tỏ tầm cỡ của cuộc khủng hoảng từ việc Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ lớn như thế nào. Đương nhiên tôi vui vì Đức được coi là thành trì của tự do. Ai có thể tin được ? Nhưng những người thực tế cần biết rằng Đức phải hành động hài hòa với Pháp. Không phải tôi nói thế vì trả lời phỏng vấn một tờ báo Pháp, mà thực sự tôi nghĩ như vậy. Một lần nữa, hai nước cần phải quyết định tương lai châu Âu.

Chú thích:
(1) Hội nghị Yalta năm 1945 giữa các lãnh đạo Hoa Kỳ (Franklin Roosevelt), Anh (Winston Churchill) và Liên Xô (Joseph Stalin) nhằm vạch ra chiến lược chung để kết thúc Đệ nhị Thế chiến, giải quyết số phận của châu Âu sau khi Đức quốc xã bại trận, bảo đảm một trật tự thế giới mới.
(2) Hiệp định Skypes-Picot là thỏa thuận mật giữa Pháp và Anh năm 1916 nhằm chia Cận Đông thành nhiều vùng ảnh hưởng. Mật ước này bị tiết lộ vào cuối năm 1917.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20170118-cuu-ngoai-truong-duc-trung-quoc-se-huong-loi-lon-voi-trat-tu-the-gioi-moi

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.